print this page

KỸ THUẬT ĐO ĐIỆN TÂM ĐỒ


I. MỤC ĐÍCH:

- Ghi lại các biến thiên của các xung điện khử cực và tái cực của nhĩ và thất.

- Giúp chẩn đoán một số bệnh tim: (loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền trung thất, phì đại nhĩ và thất, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim).Và rối loạn điện giải ảnh hưởng đến tim.

- Tìm nguyên nhân bệnh tim để xử trí và điều trị kịp thời.

 Hình : Vị trí đặt các điện cực của 6 chuyển đạo trước tim (V1 – V6)

II. DỤNG CỤ :


- Máy đo điện tim

- Các điện cực

- Dây điện của máy

- Gel và khăn giấy.

III. TIẾN HÀNH :

1./ Chuẩn bị bệnh nhân :

-Cho bệnh nhân nằm thật yên lặng, thoải mái, các bắp thịt thật mềm mại, mắt nhắm.

-Nếu có nhiều dòng điện cảm ứng xung quanh thì nên tháo các dụng cụ bằng kim loại trong người bệnh nhân như : đồng hồ, dây chuyền …

-Nếu trẻ giãy giụa nhiều phải cho uống thuốc an thần để trẻ ngũ yên.

2./ Cách đặt các chuyển đạo:

-Thoa một lớp gel lên da, sau đó đặt các điện cực lên da.

-Chọn chổ thịt mềm để đặt điện cực, không nên đặt lên xương .

-Có 12 chuyển đạo thông dụng :
        6 chuyển đạo ngoại vi.

        6 chuyển đạo trước tim.

-Để đo 6 chuyển đạo ngoại vi : ta gắn các điện cực có ghi ký hiệu “Left” và “Right” vào 2 cổ tay và 2 cổ chân .

-Để đo 6 chuyển đạo trước tim : ta đặt các điện cực lên 6 điểm ở vùng tước tim.

V1 : khoảng liên sườn 4 bên phải, sát bờ xương ức

V2: khoảng liên sườn 4 bên trái, sát bờ xương ức

V3 : điểm giữa đường nối V2 và V4

V4 : giao điểm giữa đường trung đòn trái và đường ngang đi qua mỏm tim .

V5 : giao điểm của đường nách trước với đường ngang đi qua V4

V6 : giao điểm của đường nách giữa với đường ngang đi qua V4, V5
3./ Định chuẩn:

- Để đánh giá thời gian dài hay ngắn, biên độ cao hay thấp của sóng điện tâm đồ, người ta định chuẩn như sau :

Người ta in sẵn trên giấy những đường kẻ dọc cách nhau 1 mm . Như vậy, khi cho giấy chạy theo :

Vận tốc 25 mm/s thì mỗi ô 1 mm có giá trị 0,04s

Vận tốc 50 mm/s thì mỗi ô 1 mm có giá trị 0,02s

Vận tốc 100 mm/s thì mỗi ô 1 mm có giá trị 0,01s

- Tuy nhiên lúc bình thường ta nên ghi thống nhất một vận tốc để việc đọc điện tim quen mắt và nhanh chóng hơn . Vận tốc đó thông thường là 25 mm/s .

4./ Vận hành máy:

- Ấn nút Auto - nút Start : để đo các chuyển đạo một lần.

- Ấn nút Lead -nút Start : để đo từng chuyển đạo .

5./ Kết thúc :

- Máy đo xong ,tắt nguồn điện ,ta gỡ các điện điện cực.

- Lau sạch gel trên người bệnh nhân, trả bệnh nhân tư thế thoải mái.

- Lau sạch máy và các dụng cụ phụ.

- Ghi hồ sơ: ngày giờ đo, tình trạng bệnh nhân.
0 nhận xét

So sánh x-quang thường, x-quang số CR & DR


X quang kỹ thuật số là sự phát triển hiện đại của X quang cổ điển ở thời đại tin học ngày nay. Chúng tôi xin điểm qua các phương cách số-hóa hình X quang và đi sâu vào 2 kỹ thuật vừa được du nhập vào Việt Nam là X quang điện toán (computed radiography-CR) sử dụng tấm tạo ảnh phosphor và X quang trực tiếp (Direct radiography-DR) dùng bảng cảm ứng (sensor panel). Chúng tôi so sánh các điểm mạnh yếu giữa hình X quang cổ điển và X quang xử lý số, và so sánh giữa kỹ thuật X quang điện toán và X quang trực tiếp. Từ đó xác định ưu điểm hiển nhiên của X quang xử lý số về chất lượng hình ảnh, lưu trữ, truy tìm, và khả năng thực hiện X quang viễn thông (Teleradiology). 

Thật sự X quang kỹ thuật số đã có trước từ khoảng 20 năm rồi, và được gọi là kỹ thuật X quang điện toánCR (Computed radiography). Một thời gian sau, xuất hiện hệ thống Bầu tăng quang/máy ảnh CCD (II/CCD camera) thường được chụp mạch máu xóa nền và một số thủ thuật X quang can thiệp khác. Đến khoảng cuối thập niên 90, mới xuất hiện kỹ thuật X quang trực tiếp DR (Direct radiography), cho hình X quang kỹ thuật số không cần qua máy Laser scan như CR hoặc CCD camera.

X quang kỹ thuật số là từ riêng dùng để nói đến hình X quang qui ước kỹ thuật số để phân biệt với các hình Siêu âm, Cắt Lớp Điện Toán và Cộng Hưởng Từ cũng là những hình kỹ thuật số được tạo do máy điện toán.
1. X quang qui ước cổ điển dùng hệ thống phim/bìa tăng quang để chụp các bộ phận của cơ thể . Phim sau khi được phô xạ, sẽ được đưa vào phòng tối để xử lý bằng hóa chất hiện hình và định hình.Sau đó sẽ được đọc trên 1 hộp đèn xem phim. Đây là một hình vĩnh viễn, không sửa đổi được, khó lưu trữ, sao lục và truy tìm.
2. Hệ thống X quang điện toán (Computed Radiography):
Đây là hệ thống gần giống X quang cổ điển: máy phát tia X quang bình thường và phim/bìa tăng quang được thay bằng tấm tạo ảnh (Imaging plate) có tráng lớp Phosphor lưu trữ (storage) và kích thích phát sáng (photostimulable luminescence). Tấm tạo ảnh khi được tia X  chiếu lên sẽ tạo nên 1 tiềm ảnh (latent image), sau đó tấm tạo ảnh này sẽ phát quang lần 2 khi quét bởi 1 tia laser trong máy Kỹ thuật số hóa (digitizer), ánh sáng này được bắt lấy (capture) và cho ra hình kỹ thuật số tức là có sự chuyễn đổi từ hình analog ra digital. Hình này sẽ được chuyển qua máy điện toán chủ để được xử lý. Tấm tạo ảnh sẽ được xóa bởi nguồn ánh sáng trắng và tái sử dụng.

3. Hệ thống X quang trực tiếp (Direct Radiography).

Kỹ thuật này giống máy chụp ảnh kỹ thuật số, vì cũng dùng nguyên tắc tương tự là bảng cảm ứng và cho hình ngay sau khi chụp. Nguyên tắc tạo ảnh la nhờ Bảng cảm ứng (Sensor panel) cấu tạo do sự kết hợp của lớp nhấp nháy (Scintillator) gồm các lớp cesiumiodide/thallium và tấm phim mỏng transistor (TFT) với silicon vô định hình (amorphous silicon). Bảng cảm ứng này thay thế cặp phim/bìa tăng quang cổ điển, sau khi được phô xạ, sẽ chuyển hình và hiển thị trên màn hình máy điện toán sau 5 giây. Và có thể chụp tiếp ngay
SO SÁNH X QUANG KỸ THUẬT SỐ & X QUANG CỔ ĐIỂN
·        Phim X quang cổ điển đã được sử dụng hơn 100 năm, do đó đã tạo thành 1 phản xạ có điều kiện cho các BS, muốn đọc phim X quang là phải có tấm phim lớn và hộp đèn xem phim. Ngoài vấn đề phim rất nhạy với ánh sáng, qui định phòng tối ngặt nghèo, chất lượng phim tùy thuộc nhiều vào các yếu tố phô xạ mà chỉ xơ xẩy sẽ làm cho phim đen hoặc trắng quá, lại còn phụ thuộc rất nhiều vào nồng độ, nhiệt độ các hóa chất trong khi làm hiện hình và định hình, khó khăn để lưu trữ và sao chép phim. Phim X quang qui ước là một hình cố định, ta không thể cải thiện chất lượng hình sau khi đã phô xạ, nên phải chụp lại nếu chất lượng kém vừa hao tiền lại tăng độ nhiễm xạ của bệnh nhân.
·        X quang kỹ thuật số có thể xem trực tiếp trên màn hình monitor và chỉnh sửa, phóng to vùng cần quan sát v.v…
·       Tấm tạo ảnh phosphor lưu trữ (Phosphor storage plate) và Bảng Cảm ứng (Sensor Panel)  có khả năng chụp lại nhiều lần, có dãi phô xạ rộng hơn phim X quang qui ước, nên không sợ hư phim do tia quá yếu hoặc quá mạnh. Hầu như không có trường hợp phải chụp lại.
·       Hình X quang điện toán nhờ có các phần mềm chuyên dùng xử lý nên sẽ cho các hình ảnh chất lượng cao hơn hẳn phim X quang cổ điển: như khả năng có thể khảo sát xương và phần mềm hoặc khảo sát nhu mô phổi và trung thất cùng trên một phim.
·      Việc lưu trữ các hình ảnh trở nên dễ dàng trong các đĩa CD-ROM và việc truy lục, sao chép nhanh chóng hơn.
·       In bằng máy in khô (Dry Imager) chỉ sử dụng đầu nhiệt nên không còn các hóa chất và phòng tối, vì phim khô không bị ánh sáng ảnh hưởng.
·       Khả năng X Quang viễn thông (Teleradiology) nhờ có thể chuyển hình ảnh qua mạng Internet.
·      Điểm yếu của X quang kỹ thuật số là máy móc, phim khô đắt tiền hơn so với hệ thống X quang cổ điển.
SO SÁNH X QUANG ĐIỆN TOÁN (CR) & X QUANG TRỰC TIẾP (DR)
·      DR cho ảnh X quang số trực tiếp (sau 5 giây) nên nhanh hơn CR cho ảnh sau khi được máy Digitizer quét (90 giây).
·        DR có bảng cảm ứng chụp liên tục không cần xóa, CR cần phải xóa tấm tạo ảnh gần 30”.
·       DR có bảng cảm ứng sử dụng gần như vĩnh viễn, CR có những tấm tạo ảnh có tuổi thọ và có thể bị hao mòn sau một thời gian.
·       DR không cần cassette, có thể ghi tên trực tiếp tên bệnh nhân nhờ máy điện toán chủ, CR cần cassette, và phải có máy ID station để ghi lý lịch bệnh nhân.
·       DR cho ảnh ngay, được sử dụng để làm máy soi X quang kỹ thuật số (Digital fluoroscopy) cho hình tức thì (real-time), CR chỉ cho hình sau khi quét bởi laser.
·    Nhưng DR thường có bảng cảm ứng cố định, chỉ dùng cho 1 máy X quang, CR có nhiều cassettes nên có thể sử dụng cho nhiều phòng.
·        DR hiện đại hơn CR và đang còn tiếp tục nghiên cứu để đạt mức tối ưu.
·        DR gọn nhẹ hơn CR . Do đó có thể tạo hệ thống X quang số di động với DR.
·       Chi phí cho DR cao hơn CR.
·       Chất lượng hình do DR & CR tương đương.
không cần xóa.

0 nhận xét

KỸ THUẬT SỐC ĐIỆN

1. Kỹ thuật cơ bản: Bất cứ hệ thống máy sốc điện nào cũng gồm 2 phần chủ yếu:

1.1 Máy sốc điện:

Gồm các bộ phận chính sau:
- Bộ phận tạo xung điện: Chủ yếu là 1 tụ điện, dòng phóng ra có thể là dòng 1 chiều hoặc xoay chiều.
- Nút lựa chọn nấc năng lượng.
- Nút lựa chọn cho phương thức sốc đồng bộ hay sốc không đồng bộ.

* Chú thích:
- Sốc điện không đồng bộ: Xung điện sẽ phóng ngay lập tức tại thời điểm ấn nút phóng điện.
- Sốc điện đồng bộ: Xung chỉ được phóng ra vào thời điểm của sườn xuống sóng R của QRS nhịp cơ bản của bệnh nhân.)

1.2. Màn huỳnh quang:

Cho phép theo dõi ECG và các thông số kỹ thuật cần thiết (mức năng lượng lựa chọn, tổng trở bệnh nhân, lượng điện thực sự đã phóng qua người bệnh nhân sau mỗi cú shock điện, nhịp thở, SpO2).

1.3. Bản điện cực shock điện:

- Làm bằng kim loại dẫn điện tốt và không rỉ sét (Pt).
- Đường kính min 80 - 100 mm.
- Tư thế đặt điện cực:
Đáy - Đỉnh.
- Điện cực phải thoa kem dẫn điện đầy đủ, khi chuẩn bị sốc điện phải được ép trên lồng ngực để đảm bảo tiếp xúc tốt, tránh sinh nhiệt quá mức gây bỏng.


2. Chỉ định sốc điện:

Chia làm 2 nhóm chính:

2.1. Sốc điện cấp cứu:

Áp dụng cho các rối loạn nhịp: Rung thất, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động.
- Thực hiện nhanh chóng, không cần gây mê, chống đông.
- Mức năng lượng dùng: bắt đầu 200J -> 300J, tối đa là 360J.
- Rung thất: Không đồng bộ.
- Nhịp nhanh thất: Đồng bộ.

2.2. Sốc điện có chuẩn bị:

- Áp dụng cho các rối loạn nhịp:
+ Rung nhĩ.
+ Cuồng nhĩ.
+ Nhịp nhanh kịp phát trên thất.
+ Nhịp nhanh thất chưa có rối loạn huyết động.

- Sốc điện chỉ được thực hiện sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng các yếu tố dự đoán thành công, các bệnh lý nguyên nhân, chuẩn bị chống đông và phải có gây mê ngắn trong khi đánh điện.
- Phương thức sốc điện phải là đồng bộ.
- Mức năng lượng thường thấp: 25 - 50 -100 - 200 J.

3. Cơ chế của shock điện:

Trong các bệnh lý loạn nhịp kể trên, đặc biệt là rung thất, có sự khử cực lung tung, không đồng nhất của cơ tim, gây ra sự co bóp không đều của các sợi cơ, chủ nhịp (nút xoang) lúc này hoàn toàn bất lực, không điều khiển được. Khi đánh sốc điện, cơ tim sẽ ngưng dẫn truyền trong 1 thời gian ngắn (vô tâm thu), tức là khử toàn bộ hoạt động điện của tim, sau đó, nút xoang sẽ phát lại chủ nhịp và cơ tim sẽ hoạt động đồng bộ trở lại.

Vì sao phải có sốc điện đồng bộ và không đồng bộ?

- Trong các rối loạn nhịp cần shock điện mà bệnh nhân vẫn còn nhịp cơ bản (rung, cuồng nhĩ; nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất), phương thức sốc điện đồng bộ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân vì phóng điện ngay vào sườn xuống của sóng R, tránh vùng nguy hiểm là khoảng thời gian trước đỉnh sóng T (có thể gây nhịp nhanh thất, rung thất).

- Ngược lại, trong trường hợp BN không còn nhịp căn bản, hay rung thất, nếu để máy ở chế độ đồng bộ, có thể không thực hiện được cú sốc điện vì máy không thể xác định được sườn xuống của sóng R ở đâu!




A. Sốc điện không đồng bộ:

1. Khời động máy: nhấn phím ON [1]. Thoa gel lên bản điện cực phần sẽ tiếp xúc với BN
2. Chọn năng lượng: năng lượng cài sẵn là 200J, nhấn phím ENERGY SELECT [2] nếu muốn thay đổi.
3. Nhấn phím CHARGE trên máy [3] hoặc nút CHARGE trên bản điện cực
4. Đặt bản điện cực lên ngực bệnh nhân:
STERNUM ở vùng hạ đòn phải, APEX ở đường nách giữa ngang với núm vú trái (# V6). Lực đè #10 kg. Khi máy báo đã nạp đủ điện, đảm bảo không ai tiếp xúc với BN hoặc thành giường BN, tiến hành sốc điện bằng cách nhấn cùng lúc 2 nút trên 2 bản điện cực cho đến khi toàn thân BN nảy lên do cú sốc.
5. Quan sát kết quả trên màn hình, sốc điện tiếp nếu cần
6. Sau khi sốc điện: Tắt máy: nhấn phím ON [1]. Lau chùi sạch bản điện cực, đặt vào đúng vị trí trên máy

B. Sốc điện đồng bộ:

1. Khởi động máy: nhấn phím ON [1].
2. Gắn điện cực monitor 3 dây lên BN. Nhấn phím LEAD SELECT chọn chuyển đạo có sóng R cao nhất và cao hơn hẳn sóng T. Nhấn phím SYN: trên màn hình tam giác sáng hiện lên đính vào sóng R
3. Thoa gel lên bản điện cực phần sẽ tiếp xúc với BN.
4. Chọn năng lượng cần dùng: nhấn phím ENERGY SELECT [2].
5. Nhấn phím CHARGE trên máy [3] hoặc nút CHARGE trên bản điện cực
6. Đặt bản điện cực lên ngực bệnh nhân: STERNUM ở vùng hạ đòn phải, APEX ở vị trí # V6. Lực đè #10 kg. Khi máy báo đã nạp đủ điện, đảm bảo không ai tiếp xúc với BN hoặc thành giường BN, tiến hành sốc điện bằng cách nhấn cùng lúc 2 nút trên 2 bản điện cực cho đến khi toàn thân BN nảy lên do cú sốc.
7. Quan sát kết quả trên màn hình, sốc điện tiếp nếu cần
8. Sau khi sốc điện: Tắt máy: nhấn phím ON [1]. Lau chùi sạch bản điện cực, đặt vào đúng vị trí trên máy. Gỡ điện cực monitor khỏi BN, lau chùi, bảo quản đúng
qui định.


 
Copyright © 2016 - 2017. SỬA CHỮA-BẢO DƯỠNG THIẾT BỊ Y TẾ [TL] - All Rights Reserved. Mẫu cung cấp bởi KS-Bích .