KỸ THUẬT SỐC ĐIỆN

1. Kỹ thuật cơ bản: Bất cứ hệ thống máy sốc điện nào cũng gồm 2 phần chủ yếu:

1.1 Máy sốc điện:

Gồm các bộ phận chính sau:
- Bộ phận tạo xung điện: Chủ yếu là 1 tụ điện, dòng phóng ra có thể là dòng 1 chiều hoặc xoay chiều.
- Nút lựa chọn nấc năng lượng.
- Nút lựa chọn cho phương thức sốc đồng bộ hay sốc không đồng bộ.

* Chú thích:
- Sốc điện không đồng bộ: Xung điện sẽ phóng ngay lập tức tại thời điểm ấn nút phóng điện.
- Sốc điện đồng bộ: Xung chỉ được phóng ra vào thời điểm của sườn xuống sóng R của QRS nhịp cơ bản của bệnh nhân.)

1.2. Màn huỳnh quang:

Cho phép theo dõi ECG và các thông số kỹ thuật cần thiết (mức năng lượng lựa chọn, tổng trở bệnh nhân, lượng điện thực sự đã phóng qua người bệnh nhân sau mỗi cú shock điện, nhịp thở, SpO2).

1.3. Bản điện cực shock điện:

- Làm bằng kim loại dẫn điện tốt và không rỉ sét (Pt).
- Đường kính min 80 - 100 mm.
- Tư thế đặt điện cực:
Đáy - Đỉnh.
- Điện cực phải thoa kem dẫn điện đầy đủ, khi chuẩn bị sốc điện phải được ép trên lồng ngực để đảm bảo tiếp xúc tốt, tránh sinh nhiệt quá mức gây bỏng.


2. Chỉ định sốc điện:

Chia làm 2 nhóm chính:

2.1. Sốc điện cấp cứu:

Áp dụng cho các rối loạn nhịp: Rung thất, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động.
- Thực hiện nhanh chóng, không cần gây mê, chống đông.
- Mức năng lượng dùng: bắt đầu 200J -> 300J, tối đa là 360J.
- Rung thất: Không đồng bộ.
- Nhịp nhanh thất: Đồng bộ.

2.2. Sốc điện có chuẩn bị:

- Áp dụng cho các rối loạn nhịp:
+ Rung nhĩ.
+ Cuồng nhĩ.
+ Nhịp nhanh kịp phát trên thất.
+ Nhịp nhanh thất chưa có rối loạn huyết động.

- Sốc điện chỉ được thực hiện sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng các yếu tố dự đoán thành công, các bệnh lý nguyên nhân, chuẩn bị chống đông và phải có gây mê ngắn trong khi đánh điện.
- Phương thức sốc điện phải là đồng bộ.
- Mức năng lượng thường thấp: 25 - 50 -100 - 200 J.

3. Cơ chế của shock điện:

Trong các bệnh lý loạn nhịp kể trên, đặc biệt là rung thất, có sự khử cực lung tung, không đồng nhất của cơ tim, gây ra sự co bóp không đều của các sợi cơ, chủ nhịp (nút xoang) lúc này hoàn toàn bất lực, không điều khiển được. Khi đánh sốc điện, cơ tim sẽ ngưng dẫn truyền trong 1 thời gian ngắn (vô tâm thu), tức là khử toàn bộ hoạt động điện của tim, sau đó, nút xoang sẽ phát lại chủ nhịp và cơ tim sẽ hoạt động đồng bộ trở lại.

Vì sao phải có sốc điện đồng bộ và không đồng bộ?

- Trong các rối loạn nhịp cần shock điện mà bệnh nhân vẫn còn nhịp cơ bản (rung, cuồng nhĩ; nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất), phương thức sốc điện đồng bộ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân vì phóng điện ngay vào sườn xuống của sóng R, tránh vùng nguy hiểm là khoảng thời gian trước đỉnh sóng T (có thể gây nhịp nhanh thất, rung thất).

- Ngược lại, trong trường hợp BN không còn nhịp căn bản, hay rung thất, nếu để máy ở chế độ đồng bộ, có thể không thực hiện được cú sốc điện vì máy không thể xác định được sườn xuống của sóng R ở đâu!




A. Sốc điện không đồng bộ:

1. Khời động máy: nhấn phím ON [1]. Thoa gel lên bản điện cực phần sẽ tiếp xúc với BN
2. Chọn năng lượng: năng lượng cài sẵn là 200J, nhấn phím ENERGY SELECT [2] nếu muốn thay đổi.
3. Nhấn phím CHARGE trên máy [3] hoặc nút CHARGE trên bản điện cực
4. Đặt bản điện cực lên ngực bệnh nhân:
STERNUM ở vùng hạ đòn phải, APEX ở đường nách giữa ngang với núm vú trái (# V6). Lực đè #10 kg. Khi máy báo đã nạp đủ điện, đảm bảo không ai tiếp xúc với BN hoặc thành giường BN, tiến hành sốc điện bằng cách nhấn cùng lúc 2 nút trên 2 bản điện cực cho đến khi toàn thân BN nảy lên do cú sốc.
5. Quan sát kết quả trên màn hình, sốc điện tiếp nếu cần
6. Sau khi sốc điện: Tắt máy: nhấn phím ON [1]. Lau chùi sạch bản điện cực, đặt vào đúng vị trí trên máy

B. Sốc điện đồng bộ:

1. Khởi động máy: nhấn phím ON [1].
2. Gắn điện cực monitor 3 dây lên BN. Nhấn phím LEAD SELECT chọn chuyển đạo có sóng R cao nhất và cao hơn hẳn sóng T. Nhấn phím SYN: trên màn hình tam giác sáng hiện lên đính vào sóng R
3. Thoa gel lên bản điện cực phần sẽ tiếp xúc với BN.
4. Chọn năng lượng cần dùng: nhấn phím ENERGY SELECT [2].
5. Nhấn phím CHARGE trên máy [3] hoặc nút CHARGE trên bản điện cực
6. Đặt bản điện cực lên ngực bệnh nhân: STERNUM ở vùng hạ đòn phải, APEX ở vị trí # V6. Lực đè #10 kg. Khi máy báo đã nạp đủ điện, đảm bảo không ai tiếp xúc với BN hoặc thành giường BN, tiến hành sốc điện bằng cách nhấn cùng lúc 2 nút trên 2 bản điện cực cho đến khi toàn thân BN nảy lên do cú sốc.
7. Quan sát kết quả trên màn hình, sốc điện tiếp nếu cần
8. Sau khi sốc điện: Tắt máy: nhấn phím ON [1]. Lau chùi sạch bản điện cực, đặt vào đúng vị trí trên máy. Gỡ điện cực monitor khỏi BN, lau chùi, bảo quản đúng
qui định.


Share this article :
 
Copyright © 2016 - 2017. SỬA CHỮA-BẢO DƯỠNG THIẾT BỊ Y TẾ [TL] - All Rights Reserved. Mẫu cung cấp bởi KS-Bích .